“Sự thật” là một yếu tố căn bản của báo chí. Nói như Kovach
và Rosenstiel thì “ai cũng đồng ý nhà báo phải nói sự thật, nhưng thế nào là ‘sự
thật’ thi người ta vẫn còn rất mơ hồ”.
Theo một khuynh hướng tiếp cận truyền thống thì sự thật là một
cái gì đó bất biến, khách quan và có thể tìm kiếm. Và báo chí thường được (hoặc
tự mình) gắn với sự mệnh đi tìm sự thật như một thứ quyền lực mà người ta vẫn gọi
là Quyền lực thứ 4. Điều này thể hiện rất rõ trong thuyết Duy lợi (Utilitarianism) mà
tiêu biểu là John Stuart Mill với quan điểm “đem đến lợi ích tốt nhất cho nhiều
người nhất”. Đây là luận điểm mà những nhà báo (chủ động hay vô tình) theo chủ
nghĩa của Mill thường dựa vào để lý giải cho những quyết định của mình khi tìm
kiếm và công bố “sự thật”.
Ở một cấp độ khác, những người theo triết học Kant thậm chí
còn tự tin đặt sự “tử tế” cho nhà báo khi cho rằng, người có đạo đức thậm chí
không cần phải quan tâm đến hậu quả của hành vi họ tạo ra bởi vì đó là một điều đúng đắn phải làm và việc nói ra sự thật một cách trung thực là hành vi được xã hội chấp
nhận.
Những hệ tư tưởng như trên trang bị cho báo chí những lý lẽ
tuyệt vời khi công bố “sự thật”. Nhưng “sự thật” nó không dừng lại ở đó.
Có một biến cố vào năm 1994 khi phóng viên Kevin Carter
giành giải Pulitzer cho bức hình chụp về em bé bị đói ở Sudan đang lê lết trước
sự chứng kiến của một con kền kền. Bức ảnh phản ánh một sự thật trần trụi và hậu
quả của nó là chính Carter đã phải tự vẫn 3 tháng sau đó vì không thể chịu đựng
được sự buộc tội của dư luận rằng anh đã chụp, công bố nhưng lại không để tâm đến
việc em bé cần sự giúp đỡ để không phải chết.
![]() |
Nguồn: Internet |
Cái “sự thật” mà Carter công bố nó vẫn là sự thật, nhưng
thay vì mang lại “lợi ích tốt nhất cho nhiều người nhất” thì nó khiến dư luận tổn
thương bởi hành động mà nhiều người cho là thiếu-đạo-đức-nghề-nghiệp.
Cũng là một sự thật, nhìn được, đo được, đếm được, khác quan
đấy nhưng sao lại phản tác dụng như vậy?
“Sự thật”, suy cho cùng, cũng là sự phản ánh sự vật qua bộ
não chủ quan của con người và được mô tả thông qua diễn ngôn, ở đây là diễn
ngôn của nhà báo. Nghĩa là có một khoảng cách giữa sự vật tồn tại và sự vật được
mô tả thông qua diễn ngôn. Trong hệ thống triết học của M.Foucault, ông coi cái
khoảng cách đó là “tri thức”. “Tri thức” là cái quyết định từ ngữ được tồn tại
như thế nào và là cái mà trong đó sự vật được xem là cái gì. Như vậy thì “sự thật”
cũng động theo “tri thức” và “sự thật” như thế nào và được “diễn ngôn” ra làm
sao sẽ do tầng nấc của “tri thức” đó quyết định.
Cách tiếp cận này gần với một triết lý phương đông mà nhiều nhà báo bắt đầu nghiên cứu và theo đuổi – triết lý Buddha.
Douglas McGill là một trong những người tiếp cận hệ thống
triết học Buddha để nghiên cứu báo chí. Trong triết lý của Buddha, khái niệm “sự
thật” – “truth” không được hiểu theo nghĩa cơ học về tên gọi – “sự thật” trong
mối quan hệ “sự thật – giả dối”, “đúng – sai” như triết học phương tây. “Sự thật”
ở đây là một sự thật tâm lý mà Buddha gọi là Tứ diệu đế: Khổ đế (dukkha – (E)
suffering): chân lý về sự khổ; Tập đế: chân lý về sự phát sinh của khổ; Diệt đế:
chân lý về diệt khổ; và Đạo đế: chân lý về con đường dẫn đến diệt khổ.
Khi nói đến Khổ đế, McGill đưa ra khái niệm “journalism of
healing” mà trong đó, mỗi nhà báo nhận thức được chân lý về sự khổ để từ đó họ
góp phần giúp con người và xã hội hàn gắn những vết thương do bất công, bạo lực,
đói nghèo,… gây ra. Nghĩa là thay vì đặt câu hỏi “Sự thật ở đâu?, những nhà báo
theo trường phái này sẽ đặt câu hỏi: “Liệu câu chuyện mình nói ra có hàn gắn những
vết thương và nỗi đau của mỗi con người và từ đó làm cho xã hội tốt lên?”. Sự thật của chân lý về sự khổ của nhân loại bao trùm lên tất cả những sự thật tồn tại lý tính.
Bàn về Phật giáo nhập thế, Thầy Thích Nhất Hạnh nhìn nhận
con người trong tổng thể mối quan hệ với xã hội mà ở đó, không có cái “tôi” bất
biến và tách biệt. Nhà báo cũng vậy, bản thân họ cũng là một “sự thật” – chịu “Khổ
đế” trong tổng hòa những “sự thật” mà họ mải miết tìm kiếm. Trở lại câu chuyện
của Carter, khi nhà báo đi tìm “sự thật” bên ngoài thì bản thân
ông quên mất “sự thật” của chính ông – cái “sự khổ” mà chính ông phải chịu đựng
cho niềm đam mê tìm kiếm sự thật và cái chết có lẽ là cách để kết thúc nỗi khổ
này. Nhưng chết có lẽ không phải là “Đạo đế” của Buddha. Nếu thời điểm chụp ảnh,
Carter nhìn “sự thật” của sự hàn gắn và giảm bớt tổn thương, có lẽ bức hình vẫn
được chụp, được công bố, nhưng khác là người ta vẫn biết được số phận của em bé
sẽ như thế nào, ông đã làm gì giúp em bé, và thậm chí là số phận em bé có thể
bi đát nhất, nhưng những người biết đến câu chuyện này sẽ bớt đau đớn hơn.
Đó là diễn ngôn của sự thật, là “knowledge” mà Foucault đã
đưa ra. Vậy là, các nhà báo có thể thể hiện quyền lực của mình thông qua diễn
ngôn về sự thật. Để nói về quyền lực của nhà báo, cũng nên suy nghĩ về khái niệm
quyền lực của triết gia người Pháp. Quyền lực là mối quan hệ giữa các lực lượng
trong hoạt động xã hội, chứ không phải là sự sở hữu hay chiếm hữu của bất cứ cá
nhân nào hay nhóm xã hội nào. Ở đâu có quyền lực, ở đó có đấu tranh. Quyền lực
tạo thành tất cả mọi lời nói. Diễn ngôn là hệ quả của quyền lực nhà báo, nhưng
cũng sẽ là công cụ của một quyền lực nào đó.
Dĩ nhiên, đi kèm quyền lực là phản quyền lực. Nó cũng như luật nhân quả vậy.
Dĩ nhiên, đi kèm quyền lực là phản quyền lực. Nó cũng như luật nhân quả vậy.
..............................................
Tài liệu tham khảo:
Gunaratne, S. A. (2009, 22 November). Reflections on
Journalism: From a Buddhist perspective, Essay, Sri Lanka Guardian. Retrieved
from http://www.srilankaguardian.org/2010/11/reflections-on-journalism-from-buddhist.html
Kovach, B., & Rosenstiel, T. (2007). The elements
of journalism: what newspeople should know and the public should expect. New
York: Three Rivers Press.
MacLeod, S. (1994). The Life and Death of Kevin Carter. Time. Retrieved from Time Magazine U.S. website: http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,981431-1,00.html
McGill, D. (2008). The Buddha, the Dharma and the Media. Internet Retrieved from http://www.mcgillreport.org/buddhamedia.html
Mill, J. S. (2001). Utilitarianism (2 ed.). Indianapolis: Hackett Publishing.
MacLeod, S. (1994). The Life and Death of Kevin Carter. Time. Retrieved from Time Magazine U.S. website: http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,981431-1,00.html
McGill, D. (2008). The Buddha, the Dharma and the Media. Internet Retrieved from http://www.mcgillreport.org/buddhamedia.html
Mill, J. S. (2001). Utilitarianism (2 ed.). Indianapolis: Hackett Publishing.
Foucault, M. (1998). The history of sexuality: The
will to knowledge (R. Hurley, Trans. reprint ed. Vol. 1). London; New York:
Penguin.
No comments:
Post a Comment